Đối xử tử tế với môi trường chính là cách bảo vệ sự sống. Nếu môi trường bị ô nhiễm hoặc bị hủy hoại thì sự sống sẽ không tồn tại. Vì vậy cha mẹ cần dạy con cách đối xử tử tế ngay từ nhỏ với những điều dù nhỏ nhặt nhất.
Vì sao cần dạy trẻ đối xử tử tế với môi trường?
Không ít trường hợp thắc mắc vì sao cần phải dạy trẻ đối xử tử tế với môi trường? Bởi môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người. Môi trường là bao gồm: Nước, đất, không khí, sinh vật, khoáng sản và các dạng năng lượng gió, ánh sáng,… Môi trường rất cần thiết để con người tồn tại và phát triển.
Do đó, mục đích của việc giáo dục môi trường cho trẻ là cách định hướng sự quan tâm của trẻ đến thiên nhiên bằng những hành động thực tiễn. Đồng thời, giáo dục môi trường cho con trẻ còn giúp hình thành nhân cách, thói quen ngay từ khi còn nhỏ. Qua đó, trẻ có thể phát triển tư duy sinh thái vững chắc và sử dụng nó để góp phần bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Những hành động đẹp khi đối xử tử tế với môi trường
Chỉ cần hành động nhỏ, đơn giản của con trẻ đã có thể góp phần bảo vệ môi trường sống thêm tươi đẹp. Do đó, dù ở độ tuổi nào, bố mẹ cũng nên trò chuyện để giúp con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đi cùng với đó là hướng dẫn dạy trẻ đối xử tử tế với môi trường bằng những cách như:
-
Tiết kiệm giấy
Một trong những cách dạy con đối xử tử tế với môi trường đầu tiên được nhắc đến đó là tiết kiệm giấy. Như chúng ta đã biết, giấy được sản xuất từ gỗ. Để có gỗ sản xuất giấy, bắt buộc người ta phải chặt số lượng cây nhiều hơn. Điều này khiến không khí dễ bị ô nhiễm, đất đai bị xói mòn và gây ra một số nạn thiên tai như lũ lụt, lũ quét, mưa bão,…
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên nhắc con sử dụng giấy tiết kiệm bằng việc tận dụng những tờ giấy trắng cũ để làm tập nháp hoặc sáng tạo thành các sản phẩm trang trí trong nhà. Đồng thời, nên thu gom giấy báo cũ để bán, vừa có thu nhập cho bản thân và vừa có thể tái chế giấy cũ.
-
Không xả rác bừa bãi
Việc xả rác bừa bãi không chỉ gây mất mỹ quan mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Đối với rác thải vô cơ cần phải được xử lý cẩn thận nếu không sẽ ảnh hưởng đất đất nông nghiệp. Còn các loại chai nhựa, túi nilon, thủy tinh nếu xả xuống ao, hồ, sông, suối sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống của các loại động vật như cá, tôm, ốc,… Vậy nên, bố mẹ cần nhắc nhở con để rác đúng nơi quy định, không nên vứt rác bừa bãi để tránh ô nhiễm môi trường.
-
Tiết kiệm điện
Được biết, điện năng được hình thành nhờ nước, gió, than,… nên bố mẹ cần dạy con đối xử tử tế với môi trường bằng việc tiết kiệm điện. Một số cách mà con trẻ có thể tiết kiệm điện năng đó là: Hạn chế xem tivi, đi xe điện, chơi điện tử, tắt bóng đèn, tắt quạt, tắt máy lạnh,… khi không cần thiết.
-
Bảo vệ cây xanh
Cây xanh mang lại lợi ích rất lớn đối với môi trường sống. Cây xanh không chỉ cung cấp khí oxy, làm giảm khí Co2 mà đây còn được xem là lá chắn khói bụi. Chính vì thế, cây xanh được coi như lá phổi xanh của Trái đất và cần được bảo vệ. Ngoài việc giúp trẻ nhận thức rõ vai trò của cây xanh đối với môi trường, bố mẹ nên khuyến khích con tích cực trồng cây quanh nhà, quanh trường để tăng số lượng cây xanh.
-
Thu gom pin hỏng
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm. Do đó, những viên pin tưởng chừng nhỏ bé nhưng khi phân hủy sẽ tạo ra lượng độc tố lớn gồm chì, đồng, thủy ngân,…Đây là những độc tố cực kỳ có hại cho con người và sinh vật.
Vì thế, bố mẹ nên dạy con đối xử tử tế với môi trường bằng cách thu gom pin cũ và mang đến các điểm thu hồi pin. Tại đây, sẽ có đội ngũ chuyên môn tới mang pin đi xử lý an toàn. Lưu ý, bố mẹ nên tìm hiểu các địa điểm thu hồi pin để hướng dẫn cho trẻ nhé.
-
Hạn chế sử dụng túi nilon
Sự tiện lợi của túi nilon trong đời sống sinh hoạt hàng ngày là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, với thói quen lạm dụng túi nilon đã vô tình gây hại đến sức khỏe con người và môi trường sống xung quanh. Bởi một chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh nhưng lại có quá trình phân hủy kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động từ ánh sáng mặt trời.
Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon, các hộ gia đình cần hạn chế sử dụng túi nilon. Đồng thời, bố mẹ cũng nên khuyên con trẻ hạn chế lấy túi nilon mỗi lần mua đồ. Thay vào đó nên chọn các loại túi có khả năng phân hủy sinh học, túi có thể tái sử dụng, túi giấy hoặc cầm tay để giảm thiểu rác thải nilon ra môi trường.
-
Hạn chế sử dụng hộp nhựa một lần
Vật liệu nhựa mang lại sự tiện lợi nhưng cũng đi kèm với nhiều mối nguy hại cho sức khỏe và môi trường. Phải mất 100 – 1000 năm thì rác thải nhựa mới có thể phân hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, trong quá trình phân hủy, rác thải nhựa sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sự sống và sự tồn tại của nhiều loài sinh vật. Chưa kể, nhựa tạo ra dioxin và furan làm giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn nội tiết tố và tăng nguy cơ ung thư.
Để hạn chế rác thải nhựa, bố mẹ nên dạy con đối xử tử tế với môi trường bằng việc hạn chế uống trà sữa, sử dụng đồ uống mang đi, ăn cơm hộp. Ngoài ra, các con cũng có thể sắm riêng cho mình một chiếc cốc xinh xắn bằng sứ, inox để mua đồ uống yêu thích.
-
Không thả bóng bay
Chúng ta đã khá quen thuộc với hình ảnh thả bóng bay tại các trường học trong ngày khai giảng hoặc những ngày lễ lớn. Dù đẹp nhưng lượng rác thải từ bóng bay sẽ khiến việc thu gom rác trở nên khó khăn và rất khó xử lý.
Các quả bóng bay sau một thời gian có thể rơi xuống cánh đồng, ao, hồ, kênh, rạch,… khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn, sinh vật ăn phải bóng bay có thể bị chết hoặc các hợp chất có trong bóng bay sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và đất. Việc phụ huynh đề xuất với nhà trường không nên thả bóng bay là cần thiết và giải thích thêm để con hiểu rõ về vấn đề này.
-
Tiết kiệm nước
Bố mẹ nên hướng dẫn dạy con đối xử tử tế với môi trường bằng việc tiết kiệm nước. Nguồn nước không phải là vô tận, đặc biệt là các nguồn nước sạch. Trên thế giới hiện có hàng triệu người dân không có nước sạch để dùng nên chúng ta tuyệt đối không thể lãng phí nước. Cho nên, hãy dạy con cách tiết kiệm nước bằng việc tắm vòi sen thay vì tắm trong bồn; không tắm quá lâu; khóa vòi nước chảy trong khi đánh răng hoặc trong lúc rửa tay,…
-
Không lãng phí thức ăn
Việc lãng phí thức ăn sẽ dẫn đến lãng phí về tài nguyên, quỹ đất, nguồn nước, vật tư nông nghiệp,… Từ đó, sẽ làm tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hoặc biến đổi khí hậu. Chưa kể, để có được thức ăn như rau xanh, hoa quả, thịt động vật,… cần có rất nhiều công chăm sóc, thời gian, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Tất cả các hoạt động chăm sóc, nuôi trồng đều ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường. Chính vì vậy, bố mẹ hãy dạy trẻ không được lãng phí thức ăn. Nên ăn hết phần thức ăn của mình, nếu không hãy san sẻ với mọi người xung quanh.
Hy vọng với nội dung bài viết trên đây, chúng tôi đã giúp bố mẹ nắm rõ những cách dạy con đối xử tử tế với môi trường. Từ đó có những phương pháp giảng dạy hiệu quả để con trẻ hình thành được nhận thức bảo vệ môi trường và có nếp sống văn minh hơn.